Xăng sinh học là gì? Nó có những đặc điểm và tính chất nào? Nhưng ưu điểm mà nó mang lại khi sử dụng?
Hiện nay tại các cây xăng, nếu để ý các bạn có thể thấy rằng có tới 2 loại xăng khác nhau tùy vào nhu cầu của người sử dụng mà có thể đổ loại phù hợp. Đó là 2 loại xăng E5 và xăng A95. Thậm chí ở một số cây xăng chỉ còn bán loại xăng E5. Xăng E5 hay còn gọi là xăng sinh học. Vậy nó là loại xăng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chúng qua bài viết cụ thể dưới đây.
XĂNG SINH HỌC LÀ GÌ?
Xăng sinh học hay còn được gọi là gasohol hoặc biogasoline được tạo ra bằng cách phối trộn cồn sinh học ethanol khan (anhydrous ethanol) với xăng thông thường theo một tỉ lệ nhất định, trong đó xăng E5 gồm 5% ethanol và 95% xăng thông thường, còn xăng E10 có 10% ethanol.
Xăng sinh học từ E5 đến E25 được gọi là hỗn hợp ethanol thấp, từ E30 đến E85 là hỗn hợp ethanol cao. E100 là Ethanol nguyên chất sau khi sản xuất.
Bản chất của tên gọi là “xăng sinh học” là vì cồn sinh học ethanol C2H5OH dùng để phối trộn xăng được chế biến thông qua quá trình lên men các sản phẩm hữu cơ như tinh bột, cellulose từ các loại ngũ cốc như lúa mì, bắp, đậu tương, vỏ cây, bã mía,…
Ethanol là một chất rất quen thuộc trong đời sống, nó là một loại rượu trong nhóm rượu ethyl, khi chưng cất và pha loãng với nồng độ cồn thấp thì có thể uống được. Ethanol thu được sau quá trình chưng cất ngũ cốc lên men có dạng hỗn hợp gồm nước và ethanol. Ethanol được trộn vào xăng thì cần phải tách nước để lấy ethanol khan, nó được pha chế với tỷ lệ thích hợp với xăng tạo thành xăng sinh học có thể thay thế hoàn toàn cho loại xăng sử dụng phụ gia chì truyền thống.
TÍNH CHẤT CỦA XĂNG SINH HỌC
Ethanol được trộn vào xăng có vai trò như một loại phụ gia nhiên liệu pha trộn vào xăng thay phụ gia chì. Ethanol giúp tăng chỉ số octane và giúp động cơ có thể hoạt động được tốt hơn, bền hơn.
Xăng được nén ở trong xi-lanh động cơ xe ô tô và xe máy trước khi đốt, xăng càng được nén mạnh thì động cơ càng dễ đạt công suất cao, tuy nhiên nếu nén mạnh quá mà chưa kịp đốt thì xăng có thể tự kích nổ và bốc cháy, gây hại cho động cơ. Chỉ số octane (RON – Research Octane Number) vừa giúp nén xăng tốt hơn vừa giúp tăng khả năng chống tự kích nổ của xăng, do đó ngành công nghiệp xăng luôn tìm kiếm các phụ gia để gia tăng chỉ số octane cho xăng.
Nhìn vào bảng dưới đây, ta có thể thấy được sự so sánh một số chỉ số giữa các loại nhiên liệu với nhau:
NHIÊN LIỆU | MẬT ĐỘ NĂNG LƯỢNG MJ/L | TỶ LỆ NHIÊN LIỆU KHÍ | NĂNG LƯỢNG RIÊNG MJ/L | NHIỆT BAY HƠI MJ/KG | RON | MON |
XĂNG | 34.6 | 14.6 | 46.9 | 0.36 | 91-99 | 81-89 |
NHIÊN LIỆU ETANOL | 24.0 | 9.0 | 30.0 | 0.92 | 129 | 102 |
NHIÊN LIỆU METHANOL | 19.7 | 6.5 | 15.6 | 1.2 | 136 | 104 |
NHIÊN LIỆU BUTANOL | 29.2 | 11.2 | 36.6 | 0.43 | 96 | 78 |
Tuy nhiên, ethanol không giống với các phụ gia khác ở chỗ bản thân nó có thể được xem như một loại nhiên liệu, với chỉ số octane lên tới 109 so với xăng thông thường chỉ có chỉ số này là 70, xăng A92 có Ron là 92. Xăng sinh học có thể thay thế hoàn toàn các loại xăng thông thường, tuy nhiên để phát huy vai trò của nó, người sử dụng nên lựa chọn các loại động cơ phù hợp.
Có thể quan tâm: Natri Bicacbonat Là Gì? Những Điều Thú Vị Xoay Quanh Hoá Chất Này
MỘT SỐ LỢI ÍCH TỪ VIỆC SỬ DỤNG XĂNG SINH HỌC
Nhìn vào bảng thống kê có thể thấy hiện nay nhiên liệu sinh học được sử dụng rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, từ năm 2007, chính phủ đã chỉ đạo triển khai đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025. Trên thực tế, xăng E5 đã được lưu hành trên thị trường trong nước từ năm 2010. Và đến nay, nước ta đã có 6 nhà máy sản xuất bio – ethanol từ khoai sắn lát, với tổng công suất lên tới 500 triệu lít/năm.
Việc sử dụng xăng sinh học đem lại rất nhiều lợi ích như:
– Bảo vệ môi trường: Từ cái tên của nó ta dễ hình dung đây là một loại xăng thân thiện với môi trường. Sử dụng loại xăng này thải ra ít chất độc hại, sản phẩm sau khi đốt cháy sẽ tạo ra rất ít khí thải CO và HC, ít hơn hẳn các loại xăng thông dụng như A92 và A95 tới 20%. Loại xăng này có hàm lượng oxy cao hơn (do được pha trộn 4-5% thể tích Ethanol) nên quá trình cháy sạch và triệt để hơn.
– Giúp bảo vệ động cơ: Trị số ốc tan xăng sinh học cao hơn nên có khả năng chống kích nổ tốt hơn cho động cơ, giảm sự ăn mòn máy móc, tăng tuổi thọ của động cơ.
– Có ý nghĩ về mặt nông nghiệp: Việc trồng khoai mỳ cung cấp cho các nhà máy để sản xuất nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân. Điều này góp phần đảm bảo sự phát triển cho nông nghiệp.
– Đảm bảo an ninh năng lượng: thay thế một phần xăng khoáng bằng nhiên liệu sinh học (là nhiên liệu có khả năng tái tạo). Nguồn năng lượng từ dầu mỏ hiện nay ngày càng có nguy cơ cạn kiệt, do đó việc phát hiện và ứng dụng xăng sinh học có nguồn gốc nguyên liệu từ tự nhiên có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên trên thế giới.
Chúng tôi hy vọng qua bài viết trên đây sẽ giúp bạn có thêm được những thông tin bổ ích về xăng sinh học. Có lẽ sau khi đọc bài viết này bạn sẽ không còn cảm thấy xa lạ với cái tên này vì nó có thể là một loại nhiên liệu được bạn sử dụng mỗi ngày.
Hóa chất Trung Sơn rất mong có thể giúp bạn đọc có được những kiến thức hữu ích trong đời sống. Nếu có bất kì thắc mắc nào hoặc có nhu cầu mua sản phẩm hóa chất hoặc thiết bị thí nghiệm, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.
Đọc thêm: Nước Cất – Phân Loại, Lợi Ích Và Cách Sản Xuất Nước Cất
“sản phẩm sau khi đốt cháy nhiên liệu là khí CO2 và nước giúp bảo vệ môi trường” nghe câu này mà thấy nghịch lý quá. Xăng có hàm lượng ethanol cao hơn có giá thấp hơn, nhưng thải ra nhiều khí nhà kính hơn. Nói chung gây hại môi trường.
Cảm ơn bạn đã góp ý. Chúng tôi xin lỗi vì sự sai xót này. Hiện tại ý này đã được chỉnh sửa đúng rồi ạ.